Hoạt động phóng sanh các loài thủy sản được các tăng ni, phật tử và người dân Việt Nam thực hiện từ bao đời nay như hoạt động thả cá chép ngày Ông Công, Ông Táo; thả cá nhân các ngày lễ Vu Lan, Phật Đản. Những năm gần đây, hoạt động phóng sanh các loài thủy sản diễn ra thường xuyên với số lượng và quy mô phóng sinh rất lớn, điều này góp phần bổ sung nguồn lợi thủy sản vào các thủy vực tự nhiên, tái tạo lại quần đàn các loài thủy sản bị khai thác cạn kiệt. Tuy nhiên, hoạt động này cũng nảy sinh nhiều bất cập như: phóng sinh các loài thủy sản ngoại lai xâm hại và có nguy cơ xâm hại vào môi trường tự nhiên như rùa tai đỏ, ốc bươu vàng… lấn át nơi sinh sống của các loài bản địa; việc chọn địa điểm, cách vận chuyển và thả các loài thủy sản không phù hợp làm giảm sức sống của loài được thả…

Để hoạt động phóng sanh thực sự có ý nghĩa về mặt công đức cũng như hiệu quả trong công tác tái tạo, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái trong phạm vi toàn quốc, ngày 04/01/2017, Tổng cục Thủy sản và Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực phóng sinh, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Mục đích của hoạt động hợp tác này là nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các tăng ni, phật tử và người dân về bảo vệ nguồn lợi thủy sản; ngăn chặn, giảm thiểu sự phát tán những loài thủy sản ngoại lai xâm hại và có nguy cơ xâm hại ra môi trường; thả phóng sanh những giống thủy sản hữu ích cho môi trường sinh thái và đời sống xã hội.

Theo kế hoạch hợp tác giữa hai bên trong năm 2018, Tổng cục Thủy sản xây dựng “Sổ tay Hướng dẫn hoạt động phóng sanh các giống loài thủy sản”. Đây là cơ sở để Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam hướng dẫn Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố trong cả nước tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hiểu biết pháp luật cho các tăng ni, phật tử về công tác tái tạo, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hướng tới thực hành cách phóng sanh các loài thủy sản một cách có hiểu biết và có trách nhiệm với môi trường sinh thái, tài nguyên thủy sinh vật.

1. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

Tài liệu này nhằm hướng dẫn hoạt động cách phóng sinh các giống loài thủy sản đúng quy định của pháp luật, phù hợp với quan điểm Phật giáo,bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, góp phần bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản.

2. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI ÁP DỤNG

Đối tượng sử dụng tài liệu này là các tổ chức, tăng ni, phật tử, người dân tham gia thực hiện hoạt động phóng sanh các giống loài thủy sản tại Việt Nam.

3. HOẠT ĐỘNG PHÓNG SANH

3.1. Phóng sanh
Phóng sanh là một nghi lễ truyền thống trong Phật giáo, chỉ về cách cứu các loài động vật như chim, thú, cá đang bị bắt nhốt, giam cầm, sắp sửa bị giết hại liền phát lòng từ bi tìm cách cứu chuộc. Chúng ta phóng sanh tức là trực tiếp giải cứu sinh mạng cho chúng sinh, giúp chúng sinh giữ lại được giá trị cao cả nhất, đáng trân quý nhất của mình là sinh mạng. Khi thực hiện việc phóng sanh, chúng ta cũng giúp chúng sanh thoát khỏi sự sợ hãi khi cận kề cái chết để được sống tự do, an vui.
3.2. Những vấn đề tồn tại trong hoạt động phóng sanh hiện nay
Phóng sanh là một nét văn hóa đẹp của người dân Việt Nam và một số nước Châu Á, tuy nhiên trong thời gian vừa qua, tại Việt Nam hoạt động phóng sanh có những tồn tại, hạn chế như:
– Phóng sanh loài ngoại lai xâm hại hoặc có nguy cơ xâm hại vào môi trường tự nhiên, ví dụ: rùa tai đỏ, ốc bươu vàng, cá tỳ bà…, đã gây cạnh tranh thức ăn, nơi cư trú, ăn loài bản địa, là trung gian truyền bệnh, lai tạp với loài bản địa làm mất nguồn gen thuần chủng.
– Phóng sanh loài thủy sản vào môi trường nước không phù hợp làm cho loài được thả không sống được, ví dụ: thả cá nước ngọt xuống biển hoặc ngược lại hay thả cá vào các thủy vực đang bị ô nhiễm.
– Phóng sanh loài thủy sản có chất lượng giống thả thấp, ví dụ: thả cá bị bệnh, sắp chết sẽ gây lan truyền bệnh và ô nhiễm môi trường.
– Phóng sanh nhiều loài thủy sản với số lượng lớn vào ao, hồ nhỏ, ví dụ: thả ở ao, hồ tại chùa có quá nhiều loài cá, mật độ cao làm cho chúng không sinh trưởng được, có thể chết vì thiếu ôxy.
– Phóng sanh các loài thủy sản với tỷ lệ không phù hợp sẽ gây mất cân bằng sinh thái tự nhiên, ví dụ: cá rô phi quá nhiều ở các thủy vực tự nhiên cạnh tranh nơi ở và thức ăn với các loài bản địa.
– Phương pháp vận chuyển và phóng sanh loài thủy sản không đúng, thời điểm thả không phù hợp có thể gây chết hoặc làm giảm sức sống của loài thủy sản, ví dụ: vận chuyển mật độ quá cao, phương tiện và kỹ thuật vận chuyển không đảm bảo, thả cá từ trên cao xuống mặt nước, thời điểm thả quá nóng hoặc quá lạnh.

3.3. Phóng sanh đúng cách theo quan điểm Phật giáo và tái tạo nguồn lợi thủy sản trong tự nhiên

Phóng sanh phải phát xuất từ lòng từ bi, không vì ý nghĩa tư lợi (như cầu sống thọ, cầu may mắn, giải trừ tật bệnh, cầu siêu…).

Phóng sanh bằng cái tâm, chẳng cần được ai biết đến, đừng theo phong trào, chạy theo chữ danh, muốn cho mọi người thấy để khen ngợi, để được tiếng tăm.

Phóng sanh là tự do, không phân biệt số lượng ít nhiều, lớn nhỏ, đắt rẻ vì chúng sanh đều bình đẳng, không chọn ngày giờ tốt xấu, không nên chờ dịp này hay dịp khác.

Sau khi mua con vật để phóng sanh thì thả ngay càng nhanh càng tốt để chúng trở về môi trường sống tự nhiên, tự do thoải mái.

Khi phóng sanh cần quan tâm đến môi trường sống của loài, thả chúng về đúng môi trường sống tự nhiên, không nên mua giống cá sông thả ra biển hay thả cá biển vào sông, không thả vào môi trường khó sinh tồn hay làm hại các sinh vật khác….

Phóng sanh với số lượng phù hợp, đảm bảo chất lượng, vận chuyển và thả đúng cách để đảm bảo tỷ lệ sống cao nhất.

Không phóng sanh các loài thủy sản ngoại lai xâm hại, có nguy cơ xâm hại theo quy định của pháp luật. Khuyến khích thả các loài thủy sản bản địa, nguy cấp, quý, hiếm, có giá trị kinh tế cao nhằm bảo vệ, phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản, bảo đảm cân bằng sinh thái trong các thủy vực tự nhiên.

phongsanh - Hướng dẫn hoạt động phóng sanh các giống loài thủy sản P.1

( Còn tiếp…)

5/5 - (6 bình chọn)